Thuế tiêu thụ đặc biệt “nước ngọt có đường” dễ gây hiểu nhầm

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 17/9/2018 đã có văn bản gửi Chính phủ phản ánh doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sữa Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) rất quan ngại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với “nước ngọt có đường” do Bộ Tài chính đề xuất tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB.
Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam và EuroCham cho rằng, nếu đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt “nước ngọt có đường” được thông qua sẽ gây bất lợi lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như đời sống không chỉ bởi tính bất hợp lý xét về mặt khoa học (báo chí và dư luận đã đưa tin nhiều) về lý do đánh thuế TTĐB “nước ngọt có đường” là nhằm hạn chế tình trạng béo phì, mà về mặt từ ngữ, cụm từ “nước ngọt có đường” có nghĩa rất rộng dễ gây hiểu nhầm, rắc rối, phức tạp.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, cụm từ “nước ngọt có đường” có thể hiểu nhầm bao gồm có cả sữa

Trong đó, cụm từ “nước ngọt có đường”, có thể hiểu là bất kỳ sản phẩm uống được có chứa bất kỳ loại đường nào, bao gồm cả các sản phẩm sữa, sản phẩm có chứa sữa, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt của trẻ em, người già, phụ nữ có thai cũng như thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho bệnh nhân… đều có thể bị coi là “nước ngọt có đường” và thuộc diện đánh thuế TTĐB. Trong khi đó, những sản phẩm vừa nêu lại là các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và rất cần thiết cho người dân, Chính phủ đang khuyến khích sử dụng các sản phẩm này trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

Tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm cũng xếp các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học vào một nhóm riêng để quản lý vì tầm quan trọng của chúng đối với chăm sóc và cải thiện sức khỏe. Nếu bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá của các mặt hàng này sẽ tăng lên ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của số đông người dân, nhất là đối tượng đặc biệt như trẻ em, người già và bệnh nhân, trong khi đó tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam còn rất cao (25%), đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước là tăng cường nâng cao sức khỏe toàn dân và giảm tình trạng suy dĩnh dưỡng.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam và EuroCham, văn phong trong văn bản luật cần phải sử dụng từ ngữ chính xác, tránh tạo ra những cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hai hiệp hội trên kiến nghị, sử dụng cụm từ “nước giải khát có đường” thay cho cụm từ “nước ngọt có đường” để phân biệt các sản phẩm dùng để giải khát với các sản phẩm dinh dưỡng. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng chỉ nên áp dụng đối với các loại sản phẩm có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá… trên cơ sở giải trình thuyết phục về tính khoa học cũng như tác động đến kinh tế – xã hội.

Ngoài ra, trong số 193 nước trên thế giới, theo số liệu của Bộ Tài chính, cũng chỉ có 40 nước (20%) đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với “nước giải khát có đường”. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ số liệu thống kê nào cho thấy, việc đánh thuế này đem lại hiệu quả giảm tình trạng béo phì, trong khi thống kê về tác động tiêu cực đến nền kinh tế của một số nước là đã có (ví dụ tại Đan Mạch). Ngoài ra, hầu hết số ít nước đánh thuế “nước giải khát có đường” đều loại trừ các sản phẩm sữa, sản phẩm có chứa sữa, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt và thực phẩm dinh dưỡng y học./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *