Đảm bảo phúc lợi động vật để sản phẩm chăn nuôi chinh phục nhiều thị trường

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đảm bảo phúc lợi động vật sẽ gắn với an toàn sinh học, để sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện xuất khẩu nhiều thị trường.

Nghiên cứu về phúc lợi động vật

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi nước ta đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao (từ 4,5 – 6%/năm), trong đó tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng trưởng ước đạt 5,72%, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp.

Ngoài những thành tựu đạt được của năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn trong thời gian tới Viện sẽ nghiên cứu về lĩnh vực phúc lợi động vật. Bởi ngành chăn nuôi đang hướng đến chăn nuôi bền vững, không thể thiếu đến phúc lợi động vật.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm việc với Viện Chăn nuôi, sáng 30/3. Ảnh: Hùng Khang.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm việc với Viện Chăn nuôi, sáng 30/3. Ảnh: Hùng Khang.

Bộ trưởng dẫn ví dụ, tại các quốc gia châu Âu, từ năm 2018 người dân đã bắt đầu quan tâm đến phúc lợi động vật, bằng việc không nuôi nhốt con vật trong lồng. Việc đảm bảo phúc lợi động vật sẽ gắn với an toàn sinh học, giảm kháng sinh trong chăn nuôi. Đó sẽ là những giải pháp để sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện xuất khẩu nhiều thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Cho dù đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay thú cưng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, người tiêu dùng hiện đang rất quan tâm đến các loài vật nuôi được chăm sóc như thế nào. Ảnh: Hùng Khang.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, người tiêu dùng hiện đang rất quan tâm đến các loài vật nuôi được chăm sóc như thế nào. Ảnh: Hùng Khang.

Trước thực trạng tỉ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng, khiến chúng ta phải quay lại đặt câu hỏi thức ăn, thực phẩm con người nạp vào cơ thể đã thực sự tốt? Do vậy, trước khi mua các sản sản phẩm thịt, người tiêu dùng cũng đang có mối quan tâm đến thực phẩm từ những con vật nuôi được sống như thế nào trong điều kiện chuồng trại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Để sản phẩm từ gia súc, gia cầm không tồn dư kháng sinh, không chất tăng trưởng, thì việc tạo điều kiện cho vật nuôi gà mái đẻ, lợn nái được “giải phóng” trong lồng nuôi, thay vào đó, được sống trong môi trường tự do đúng tập tính của nó. Khi vật nuôi không bị stress, sẽ cho chất lượng thịt, trứng năng suất hơn, chất lượng hơn.

Tại hội nghị, bà Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đã nêu ra những hạn chế của nghiên cứu giống hiện nay chính là việc các chương trình giống chưa mang tính dài hạn, dẫn đến số lượng con giống đưa ra thị trường còn hạn chế.

Do đó, trong thời gian tới kinh phí của các chương trình giống cần được kéo dài hơn để đảm bảo phát huy được hết khả năng của chương trình giống.

Tăng cường nghiên cứu con giống cho chăn nuôi nông hộ

Ở Việt Nam, chăn nuôi nông hộ vẫn còn khá phổ biến. Quy mô nông hộ bình quân từ 3 đến 4 con lợn/hộ chiếm 65% tổng đàn lợn và hơn một nửa sản lượng thịt cho thị trường; đàn gà nuôi trong nông hộ chiếm 70% tổng đàn và 60% sản lượng thịt. Hiện, số hộ nuôi gà là 6,5 triệu hộ; gần 100% đàn đại gia súc (trâu, bò) được nuôi tại nông hộ.

Vì thế, Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển chăn nuôi nông hộ, hướng đến hiện đại. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp ổn định sinh kế cho người dân; nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, tăng thu nhập của các hộ chăn nuôi từ 5 đến 10%.

Ông Phạm Công Thiếu, Giám đốc Viện Chăn nuôi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hùng Khang.
Ông Phạm Công Thiếu, Giám đốc Viện Chăn nuôi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hùng Khang.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Phạm Công Thiếu, Giám đốc Viện Chăn nuôi cho biết trong thời gian tới Viện Chăn nuôi sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa về công tác nghiên cứu phát triển chăn nuôi nông hộ, đặc biệt làn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Bởi chăn nuôi nông hộ của đồng bào dân tộc thiểu số hiện chiếm 13%, thúc đẩy nghiên cứu chăn nuôi nông hộ sẽ giúp phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Để làm được điều đó, Viện Chăn nuôi đã tăng cường hợp tác với các trường đại học về nông lâm nghiệp trên cả nước, tận dụng mọi nguồn lực, chất xám để công tác nghiên cứu phát triển chăn nuôi nông hộ đạt hiệu quả cao, có tính ứng dụng thực tế.

Các trường đại học không chỉ riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mà chúng tôi hợp tác với cả Đại học Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Trà Vinh, Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Nông lâm Bắc Giang… đã đề nghị phối hợp vừa nghiên cứu, vừa đào tạo vừa phối hợp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển chăn nuôi nông hộ, ông Phạm Công Thiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, để hạn chế những rủi ro do chăn nuôi nông hộ mang lại như năng suất thấp, nguy cơ dịch bệnh cao, vệ sinh an toàn thú y kém,… Viện Chăn nuôi chủ chương trong thời gian tới sẽ phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy nhanh tốc độ tiến bộ di truyền, tăng năng suất, chất lượng, sức khỏe vật nuôi.

Ngoài ra, Viện Chăn nuôi cũng sẽ tăng cường giao lưu học hỏi từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản… Tiến tới ký kết các hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ từ những nước trên.

Hùng Khang – Đức Minh

Nguồn: nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *